Smiley face

27/7 : BÀI THƠ "LỜI GỌI BÊN SÔNG" CÓ NHIỀU DỊ BẢN

Mot bai tho ngan co nhieu di ban
Lê Bá Dương

Một bài thơ chỉ vỏn vẹn có 4 câu, thế mà lại có khá nhiều dị bản. Điều đó chứng tỏ bài thơ đã tạo được sự đồng cảm nơi người đọc đồng thời có sức lan tỏa trong công chúng... Nhưng tình trạng “tam sao, thất bổn” đã gây khó khăn cho nhiều người muốn sưu tầm thơ hay. Nhiều bạn đọc gửi thư cho chúng tôi hỏi về bản gốc của bài thơ này, chúng tôi đã liên lạc với tác giả bài thơ để hình thành bài viết này như một cách để trả lời bạn đọc...


Tác giả bài thơ Lời gọi bên sông là nhà báo Lê Bá Dương (phóng viên Báo Văn hóa thường trú tại miền Trung và Tây Nguyên), anh từng là bộ đội lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị (từ năm 1968 - 1973). Sau chiến tranh, kể từ năm 1976, năm nào anh cũng có đôi ba lần về lại chiến trường xưa thắp hương, thả hoa cho đồng bào, đồng đội. Cũng chính từ việc làm của anh mà ở Quảng Trị đã hình thành lễ hội truyền thống Thả hoa trên sông vào mỗi dịp lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7) hằng năm...

* Xin anh giới thiệu xuất xứ bài thơ Lời gọi bên sông một cách... chính xác nhất ?

- Bài thơ được “viết” vào chiều ngày 27.7.1987. Chữ “viết” tôi để trong ngoặc kép vì cái cách làm thơ câu chữ chợt đến trong đầu, nhớ nhập tâm rồi sau này tiện lúc nào thì viết thành chữ vào nhật ký, sổ tay và bài thơ Lời gọi bên sông cũng có cùng cách viết như vậy. Hôm đó thả hoa cho đồng đội xong, tôi một mình ngồi lặng lẽ bên bờ sông Thạch Hãn, chợt thấy những chiếc thuyền đang ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo đang hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Cứ vậy, từng lời như từ lồng ngực tôi bật ra thành câu, thành chữ: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Tan chợ chiều xuôi đò có vội/Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong”. Tôi “viết” để trải lòng mình nên cũng chẳng gửi in ở đâu, chỉ có đọc cho nhà văn Thế Vũ nghe khi chúng tôi đi tàu từ Huế vào Nha Trang. Sau này (khoảng năm 1990), chúng tôi có dịp gặp lại cùng với nhà văn Đỗ Kim Cuông. Anh Thế Vũ bảo tôi đọc lại bài thơ. Đọc xong anh Đỗ Kim Cuông góp ý: “Bài thơ cảm động nhưng xót xa quá. Về câu chữ thì từ “xin” cứ lặp đi lặp lại, có nên không ?”. Tôi đã sửa từ “xin” ở câu đầu tiên thành từ “ơi”. Đây là thán từ gọi đò theo phương ngữ Quảng Trị (ơi đò... bớ đò... đò ơ!) khi gọi lên có tiếng đồng vọng nên nghe càng thắt thẻo hơn. Riêng 2 câu cuối được viết lại thành “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Bản này được in trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa dịp 27.7.1990.

* Và, những dị bản?

- Có một nhà báo là chỗ anh em thân tình, anh đã nhiều lần giới thiệu bài thơ Tiếng gọi bên sông trong các bài viết của anh, nhưng qua đó anh cũng tạo ra một dị bản: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”. Có lẽ bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người nên người này nhớ một hai câu, người khác thuộc trọn bài nhưng hầu như nếu so sánh thì vẫn có vài từ khác nhau: Đò lên (Đò xuôi)... ơi chèo nhẹ (xin chèo nhẹ)... Có tuổi hai mươi (có tuổi đôi mươi)... thành sóng nước (hòa sóng nước)... bờ mãi mãi ngàn năm (bờ bãi mãi ngàn năm). Ngay trong bản thơ xuất hiện một cách khiêm nhường ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng có 2 từ chưa chính xác. Đó là từ xuôi và xin ở câu thơ đầu tiên, đúng trong nguyên bản là từ lên và ơi... Như vậy, ngoại trừ nguyên bản ban đầu và “nguyên bản” thứ 2 do tác giả sửa thì các dị bản truyền miệng trong dân gian không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên cho dù đọc với chính bản hoặc bất cứ dị bản nào thì đều cảm nhận đó là tiếng lòng nguyên vẹn của tác giả gửi gắm vào những dòng thơ xót xa hòa lẫn máu và nước mắt thấm đẫm tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Bởi vậy, có lẽ không nên đặt các bản thơ lên bàn cân xăm soi, chẻ từ, chiết nghĩa làm gì. Tôi tuy là tác giả nhưng vẫn coi bài thơ là tiếng lòng của mọi người.

* Nghe nói chung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại?

- Hiện bình quân mỗi ngày tôi nhận được 1 cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí ở Phú Yên cũng có người gọi Tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin về bài thơ, tên, số điện thoại của tác giả. Nhiều người cứ tưởng bài thơ còn nhiều câu nữa nên gọi điện hoặc trực tiếp đề nghị tôi cho biết trọn bài thơ. Ngay cái tựa Lời gọi bên sông cũng là một giai thoại. Lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề” như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đem bài thơ đi in, thấy thiếu cái tựa liền gọi điện hỏi tôi. Tôi giải thích đó chỉ là lời người bên sông... Không ngờ người biên tập cho in luôn tựa bài thơ là Lời gọi bên sông.

Nguồn Thanh niên
*********************Nỗi đau không của riêng ai từ những câu thơ thắt lòng
Đó là bài thơ “Lời gọi bên sông” của nhà thơ mặc áo lính Lê Bá Dương viết trong ngày27/07/1987 với vỏn vẹn 4 câu tứ tuyệt:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

chientranh-dolen

Nếu như một người bình thường đọc mấy câu thơ này của Lê Bá Dương thì chỉ cảm nhận thấy rằng đây là một bài thơ ngắn, kiệm từ, chặt nghĩa và hay đến thắt lòng. Bài thơ nói về con đò bơi trên dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị thơ mộng, có điều gì đó Tác giả ngậm ngùi nhớ về bóng hình bạn bè, người đã khuất. Hình như những người đó còn trẻ, hi sinh ở khúc sông này và giờ đây sóng nước của con sông ru người xưa trong giấc ngủ của thời gian. Nhưng nếu ai đã là người từng trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam thời kỳ sau năm 1970, hoặc lớn lên trong chiến tranh hay người thích tìm hiểu lịch sử chiến tranh Việt Nam thì hiếu ngay bài thơ muốn nói lên điều gì. Dù rằng người đó đã từng đứng ở phía nào trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong tứ thơ ngắn, Lê Bá Dương không hề có một từ nào, một câu chữ nào nói về bom đạn chiến tranh, nói về cái chết tàn khốc hay cảnh máu chảy đầu rơi. Nhưng ai cũng hiểu đó là những người lính miền Bắc đã nằm lại ở dòng sông Thạch Hãn vào thời kỳ năm 1972 và cuộc giao tranh ác liệt của 81 ngày đêm trong Thành cổ Quảng Trị. Năm 1972, cuộc chiến tranh Việt Nam rơi vào khoảng khắc ác liệt, nhất là dịp” mùa hè đỏ lửa”. Thành cổ Quang Trị trong dịp này cho đến đầu mùa Thu năm 1972 là nơi giao tranh tàn khốc nhất, thời điểm chiến tranh lên đến cực đỉnh ý chí của cả hai bên. Trong một diện tích chừng 2km2 mà hàng chục nghìn con người với trang bị tối tân của phương tiện chiến tranh, dành giật nhau từng thước đất, từng bờ tường, từng con hào, từng ngõ hẻm. Hơn 300 ngàn tấn bom rơi từ trên cao dội xuống. Thân thể xương thịt và máu của người lính tham gia chiến trận tanh bành, lẫn vào đất đá. Rồi đêm đêm các đợt lính miền Bắc ở bên ngoài vượt dòng sông Thạch Hãn trong quầng lửa sáng nhoáng theo từng đợt mưa bom, bão đạn.. để vào bổ sung cho đội quân đang bám trụ ở thành cổ.

Trong số bị hủy diệt và tổn thương có cả người của hai bên. Người miền Bắc, người miền Nam. Người của quân giải phóng, người lính của chế độ Sài Gòn. Người Việt Nam và người Mỹ. Gần hai chục ngàn sinh mạng bị hủy diệt. Hàng chục ngàn người khác bị thương và sống sót thì cũng mang theo thương tích chiến tranh suốt đời. Có bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương? Không ai có thể trả lời chính xác được. Nhưng một điều ai cũng có thể thấy được, trả lời được: Đó là cái giá của chiến tranh! Vẫn biết chẳng ai nỡ đong đếm cái giá của chiến tranh vốn dĩ tàn khốc, nhưng thực sự đó là cái giá quá đắt cho cuộc chiến đối với Dân tộc Việt Nam..

Cục diện của chiến dịchThành cổ Quảng Trị ra sao thì ai cũng đã rõ. Nhưng khi những người lính miền Bắc tưởng rằng sống sót trong khu vực Thành cổ rút ra ngoài thì lại gặp” cửa tử” ở dòng sông Thạch Hãn một lần nữa. Biết bao người lại trúng đạn, lại ngã gục, lại chìm vào dòng nước của sông Thạch Hãn trong đêm tối. Người ta vẫn biết là bom đạn thì không có mắt, mà chẳng ai biết nó ở đâu mà tránh. Nhưng những người sống sót vẫn kể lại, những người hi sinh ở Thành cổ, ở dòng sông Thạch Hãn lại chủ yếu là những người lính trẻ. Hồi đó những người lính là những thanh niên mới lớn, mới rời ghế nhà trường, ít kinh nghiệm trận mạc. Nhất là lớp thanh niên người Hà Nội. Sau mấy đợt huấn luyện vội vã cho tân binh là họ được tung vào ngay chiến trận. Người lính mang theo một chút lãng mãn xứ Đông- Đoài, một chút hoài bão tuổi trẻ, muốn kết thúc nhanh chiến tranh để trở về quê hương. Thế mà họ lại vĩnh viễn ở lại, hóa mình vào đất, vào nước ở nơi này.

Tiếng súng chiến tranh đã câm lặng tự hồi nào.

Năm tháng trôi qua.

Cỏ cây đã mọc xanh trên vách tường Thành cổ Quảng Trị.

Dòng nước sông Thạch Hãn trở lại trong xanh và vô tình lững lờ trôi như dòng thời gian. Vết tích chiến tranh được cỏ cây và thời gian xóa nhòa dần. Cũng như con đò hối hả ngược xuôi trên sông nước, trên dòng chảy hối hả, gấp gáp của dòng đời, con người phải bận rộn sống với hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều lúc ký ức về chiến tranh cũng nhạt dần theo năm tháng. Nhưng có nhiều người không thể nào quên được ký ức về Thành cổ, về dòng sông Thạch Hãn. Dòng sông Thạch Hãn chảy trên đất Quảng Trị và hình như ứa chảy mãi từ trái tim họ. Họ sống với nỗi đau thương về đồng đội, về bạn bè lứa tuổi đôi mươi. Một trong những người đó là người chiến sĩ nhà báo Lê Bá Dương.

Người chiến sĩ Lê Bá Dương may mắn hơn rất nhiều đồng đội của mình. Anh sống sót qua trận chiến, tuy rằng trên thân thể cũng đầy các vết thương tích. Nhưng ký ức về Thành cổ Quảng Trị, về dòng sông Thạch Hãn luôn đè nặng lên trái tim anh. Anh day dứt về những đồng đội một thời trận mạc đã nằm lại nơi đầu sông, cuối rừng, với phần lớn thân xác không còn vẹn nguyên. Dằng dặc những năm sau cuộc chiến, liệu những gia đình có con em hi sinh trong chiến tranh nơi ấy đã tìm thấy chút di hài của người thân mình? Đất chiến trường xưa vẫn ủ nóng di hài đồng đội, hay dòng sông, con suối vẫn còn ôm ấp, giữ lại trong lòng mình kí ức đau thương của con người?

Anh luôn bị ám ảnh bởi những câu hỏi đó. Cái mà người ta cũng có thể gọi là Hội chứng của chiến tranh.

Tôi thích vô ngần câu thơ của anh:

” Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”

Thế đấy! Cuộc sống hàng ngày của mỗi con người ở dải đất miền Trung đơn giản mộc mạc như con đò trôi trên dòng Thạch Hãn, đấy là dòng đời, dòng sông thời gian. Tác giả ví von cuộc sống như con đò, chứ không phải con thuyền. Vì hàng ngày con người miền Trung vẫn dùng sức mình đẩy con đò đi. Khi đò dọc, lúc đò ngang. Nơi nông- khó khăn thì dùng sào chống, đẩy. Nơi nước sâu-thuận dòng thì dùng mái chèo. Có nghĩa là sự vươn lên trong cuộc sống vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động của mình. Cuộc đời của người miền Trung chưa phải là con thuyền căng buồm dựa vào gió lộng. Sự vận động nhẹ nhàng đó thế mà cũng khua động đến ký ức của cuộc đời lưu giữ trong dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương sử dụng chi tiết này vô cùng đắt giá. Đắt ngay cả từng từ còn đó bạn tôi nằm. Vâng đáy sông vẫn và mãi mãi hiện hữu bạn bè đồng đội nằm trong miền ký ức chứ không phải là mất, là khuất núi theo nghĩa tử trần trụi. Bởi vậy, anh cứ sẽ sàng nhắc những ai qua lại, ngược xuôi dòng sông Thạch Hãn dẫu có vô tình hững hờ quên thì anh sẽ nhắc: hãy gượng nhẹ mái chèo, bởi đáy sông còn đó những người còn nằm dưới lòng sông. Nào có ai dám quên đâu. Chỉ có điều là không muốn nói đến thôi. Nhưng lời anh nhắc đã làm cho sự hoài cảm về quá khứ quay lại. Đau đáu, tiếc thương về sự tổn thất vô bờ bến, những người bạncủa anh ở lứa tuổi thanh xuân ngã xuống trong chiến tranh. Người được nhắc, có nghĩa là người đọc bài thơ, biết thế thôi. Nỗi đau khôn nguôi và lặng lẽ giữ nó lại trong lòng mình, không dám bộc bạch cùng ai. Với hai câu thơ kết giàu biểu cảm:

” Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Lê Bá Dương đã thổ lộ hộ tâm tình của chúng ta rằng, cái bờ ở đây đã lớn hơn, rộng hơn hẳn cái bờ bị khuôn hẹp của một dòng sông hiện hữu. Nó là cỏ cây, là bờ cát trắng, nó là dòng chảy của con sông Thạch Hãn đã hóa vào dòng chảy tâm linh dạt dào sóng nước tuổi hai mươi. Mãi mãi nỗi mất mát của một thời đại bi hùng quá khứ ấy, không và mãi mãi không bị lãng quên. Rằng với những người đã khuất. Họ vẫn ở lại với chúng ta, họ đồng hành với chúng ta và họ vĩnh hằng tươi trẻ với lứa tuổi Hai mươi. Đã 35 năm ngày hai miền Nam- Bắc sum họp. Người lính từ chiến tranh trở về với mái nhà của mình rất lâu rồi. Mái tóc xanh năm xưa của người lính cũng đã hoa râm. Tiếng súng nổ chiến tranh cũng đã lùi vào dĩ vãng.

Thời gian trôi đi và lặng lẽ bỏ lại rất nhiều trong quá khứ. Nhưng nỗi đau mất mát về những con người trẻ tuổi vẫn còn đó, chừng nào chúng ta còn khoắc khoải nhớ tới họ. Nỗi tiếc thương về những con người trẻ tuổi bất tử đó đã vĩnh viễn hóa thân vào bài thơ LỜI GỌI BÊN SÔNG – Một bài thơ với tôi không chỉ nổi tiếng thời đại, mà hơn thế, nó còn là một bài thơ có giá trị đánh thức mọi thời đại của Lê Bá Dương.

Theo Lê An Tuyên

Từ TTXVA

Danh mục : Tin-shock
0 Comment "27/7 : BÀI THƠ "LỜI GỌI BÊN SÔNG" CÓ NHIỀU DỊ BẢN"

Back To Top