Smiley face

Lệ Thủy đến hẹn lại lên

Chẳng biết hội bơi thuyền có từ bao giờ bởi các cụ bô lão trong làng cũng chỉ còn lắc đầu rằng từ khi tôi bé tí đã có giải đua này rồi. Chỉ biết rằng hội đua thuyền đã có từ rất lâu, nó đương nhiên hiển hiện như chính dãy núi Mã Yên nhấp nhô ngựa tế kia… Thời gian trước kia ở nơi đây khổ lắm! Khổ đến bận như xã Cam Thủy có người còn nói trại đi là xã "Cam Khổ", vậy mà bây giờ chính họ cũng như nhiều xã khác trong huyện Lệ Thủy đã vượt qua chính mình. Vượt qua sự nghèo đói.
Ở Lệ Thủy có nhiều điều đặc biệt. Có lẽ mảnh đất địa linh này sinh ra rất nhiều nhân kiệt. Ngay cả dòng Kiến Giang, khi hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng Đông Nam, riêng con sông này chảy theo hướng Đông Bắc nên còn được gọi là "nghịch hà". Nó âm thầm chảy qua Lệ Thủy. Bởi vậy, có lẽ cũng chẳng có gì lạ khi bà con sinh nhai bằng nghề nông. Những ngày này, đứng trên cầu Kiến Giang nhìn xuống, trong gió thu hây hẩy, con sông uốn lượn như một dải lụa xanh ngát. Những làng quê, ruộng đồng trù phú cứ thế mà nương theo quanh hai bên dòng Kiến Giang. "Nhưng không phải cứ tự nhiên là được trù phú như vậy đâu!"Câu nói "nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện" này có lẽ để chỉ ý chí của người dân nơi đây bởi chúng tôi không mấy khi được thiên nhiên ưu đãi". Theo nhiều cụ cao niên ở Lệ Thủy kể lại huyền tích thì ở đây người dân luôn phải gánh chịu những cơn thịnh nộ của đất trời. Một đêm vị khai khẩn chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: Muốn mưa thuận, gió hoà thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có Lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch. Rồi từ đó, phong trào đua thuyền đã trở thành thông lệ. Hàng năm, cứ đến rằm tháng bảy là dân khắp vùng lại nô nức về đua thuyền trên dòng Kiến Giang. Cách mạng Tháng Tám thành công, kỷ niệm 1 năm ngày nước Việt Nam độc lập, Lệ Thủy tổ chức Lễ hội đua thuyền đúng ngày 2/9/1946. Cũng từ đó, Lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và nó được gọi là Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập. Thế nên Lệ Thủy có câu ca: Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay... Vào khoảng thời gian trước lễ hội 1 tháng, nhiều người dân xa quê cũng rập rịch, năng về nhà hơn. Họ đến đây để bàn chuyện chuẩn bị đua thuyền, hoặc thăm hỏi, động viên con cháu của mình đang tập luyện trong đội thuyền đua. Cho dù đang làm ăn hoặc học hành ở đâu, những thanh niên được chọn vào đội đua thuyền cũng phải tập trung về thôn trước Tết cách mạng gần nửa tháng để luyện tập, chuẩn bị cho Hội đua thuyền. Mỗi xã đều hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua có nhiều nhất 30 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy cũng như những điều cấm kỵ khác.
Ở thôn An Xá (quê nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)– hội trưởng hội người cao tuổi thôn say mê kể về chiếc thuyền đua của quê ông: Thuyền đua là loại thuyền đặc biệt, không giống thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế tối đa lực cản của nước. Khi đóng thuyền, người ta phải chọn những thân gỗ dài (chủ yếu là cây huỵnh) được khai thác từ rừng đại ngàn có chiều dài từ 20 - 30 m đưa về cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt và nghệ nhân bí truyền đóng ghép. Họ phải tính toán sao cho người ngồi khi chèo thuyền thì mái chèo chỉ ngập 2/3 là tốt nhất. Rồi chọn ngày lành tháng tốt. Thuyền đóng xong, được trang trí đẹp, từ đầu đến đuôi trang trí tùy theo tâm linh của từng thôn. Ngày "hạ thủy" chạy "rốt đa”, cả thôn như nín thở, tiêu chuẩn của thuyền đua bơi phải nổi vừa trên mặt nước. Khi lao về phía trước không được chờm sóng mà phải lũi đi như một kình ngư... Thế là được! Và đương nhiên, vì gắn với tâm linh nên sau khi thi xong chiếc "đò" lại được tắm rửa kỹ càng rồi gác lên nhà văn hóa thôn để năm sau thi tiếp. Đêm mùng 1/9, cả huyện Lệ Thủy dường như mất ngủ. Nhà văn thôn ở thôn nào cũng sáng đèn, họ đến đây để cổ vũ, để bàn tán về chiến thuật, rồi đánh giá thuyền của các làng khác. Nhưng rốt cục thì người làng nào cũng khẳng định “đò" của làng mình sẽ nhất. Từ sáng sớm, khi các cụ bô lão trong thôn cùng người trai làng khỏe mạnh nhất ra bờ sông đứng bên mũi thuyền thắp hương cầu nguyện cho một mùa mưa thuận gió hòa. Thì tại Mũi Viết (xã Phong Thủy - điểm xuất phát của các cuộc đua, bơi) đã huyên náo tiếng người. Dân vùng Chợ Mai, Chợ Chè, Chợ Động trong huyện thường tụ tập tại đây và nhiều người kéo vào chợ Tréo từ nửa đêm và ngủ ngay trên các sạp hàng để sáng ra chiếm được chỗ ngồi xem tốt bên bờ sông. Hàng trăm người khác thì đi muộn hơn chút ít với mục đích chiếm được các điểm cao hơn dọc theo bờ sông Kiến Giang. Hàng trăm người dân tập trung bên bờ sông theo dõi cuộc đua. Rạng mặt người. Trên bến dưới thuyền rặt những người. Dòng Kiến Giang ngỡ ngàng bởi hàng chục, hàng trăm con thuyền được trang hoàng như một rừng hoa sặc sỡ. Tiếng trống, tiếng sênh, tiếng mõ tưng bừng… Hai tuyến đường chạy dọc hai bên bờ sông, hàng chục vạn người, không chỉ riêng là con xứ Lệ, ken chặt với áo xiêm đẹp đẽ, háo hức dán mắt xuống lòng sông trong tiếng reo hò không dứt suốt cả quãng đường dài gần 30 km. Khi mặt trời thấp thoáng sau ngọn tre, lệnh xuất phát, các thuyền lập tức lao lên. Cả trung tâm huyện Lệ Thủy vỡ òa trong tiếng hò reo và âm thanh của trống, mõ…
Trong cái nắng bỏng rát dù đang là tiết trời mùa thu, ánh mắt những chàng trai lực điền lấp lánh cùng sông nước. Họ cùng nhau hò khoan thật đúng chất Quảng Bình. Hò mái ruỗi, mái ba lúc chèo đò... tiếng hò khoan mộc mạc của họ tuy chưa đạt đến trình độ điêu luyện, luyến láy tinh vi nhưng cũng đủ khiến người nghe xúc động. Ấy là những làn điệu khỏe mạnh, mộc mạc vui nhộn, chân chất của người nông dân trong mùa thu cách mạng.
Nguồn: Sưu tầm

Danh mục : Video-hài
0 Comment "Lệ Thủy đến hẹn lại lên"

Back To Top